Danh mục sản phẩm
Những thủ đoạn trộm cắp tài sản két sắt tinh vi
Trong số những đối tượng bị bắt giữ vì tội trộm cắp tài sản trong két bạc, nhóm đối tượng Biên Hòa (Đồng Nai) của các đối tượng Nguyễn Bá Thi và anh em Tâm "cụt"; nhóm đối tượng Nhơn Trạch (Đồng Nai) do Trần Đình Tường, 27 tuổi, quê ở huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) cầm đầu và nhóm đối tượng do Trần Văn Ngự, 42 tuổi, quê ở Kiến Xương (Thái Bình), hiện trú tại quận 12, TP HCM cầm đầu.
Đây đều là 3 băng nhóm trộm cắp chuyên nghiệp, theo nhóm từ 4 - 6 tên, hoạt động lưu động từ tỉnh Thừa Thiên- Huế trở về và tập trung chính vẫn là các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh. Chúng thường lựa chọn đồng bọn là những người trong gia đình và bạn bè thân thiết để nếu khi bị bắt, sẽ không khai ra đồng bọn.
Chúng nghiên cứu quy luật tài chính của các cơ quan, doanh nghiệp rất kỹ để chọn gây án thường vào đầu tháng (khi các doanh nghiệp có tiền lương), cuối tháng (khi doanh nghiệp quyết toán) và thường vào tối thứ 7, chủ nhật hoặc ngày lễ tết khi cơ quan nghỉ, bảo vệ lơ là trong làm việc. Chúng thường sử dụng ghe (đi dọc để trộm cắp các doanh nghiệp ở ven sông), xe máy, có nhóm sử dụng ôtô đi gây án. Công cụ gây án của bọn chúng chủ yếu gồm: kìm cắt, kìm cộng lực, tô vít, xà beng, mỏ lết, găng tay…
Một loạt công cụ các nhóm này mới mang theo nữa là… võng dù và dây dù. Nghe thì có vẻ khó hiểu nhưng theo chúng giải thích, nếu không cậy phá két được ngay tại chỗ, chúng cho két vào võng dù để kéo ra ngoài vận chuyển về nhà cho nhiều thời gian… nghiên cứu việc phá két. Chiếc võng dù sẽ có tác dụng khiến không gây tiếng động khi di chuyển két sắt gia đình trên nền gạch men. Còn dây dù chúng mang theo, nếu gặp bảo vệ doanh nghiệp phát hiện thì lập tức trói nghiến, khống chế…
Tuy nhiên, khi nghiên cứu kỹ hiện trường gây án và lời khai của các đối tượng, điều tra viên thấy mỗi nhóm cũng có những cách thức phạm tội riêng. Chẳng hạn, nhóm Biên Hòa (Đồng Nai) trước khi gây án nghiên cứu rất kỹ và chỉ chọn các doanh nghiệp có thể có nhiều tài sản trong két bạc và có khả năng dễ tháo chạy khi bị phát hiện.
Chúng đi từ 4 - 6 tên, sử dụng kìm cắt để cắt phá hàng rào, dùng tô vít cậy, phá cửa sổ đột nhập phòng để két. Khi phát hiện thấy két, chúng lấy các vật dụng (như giấy, tài liệu…) trong phòng lót phía dưới, sau đó ngả két xuống đất dùng xà beng, tô vít cậy phá lấy tài sản. Nhóm đối tượng Trần Văn Ngự thì chuyên dùng kìm cộng lực cắt rào đột nhập cơ quan, doanh nghiệp.
Tinh vi nhất là nhóm Nhơn Trạch (Đồng Nai), bọn chúng đã nghĩ ra một thủ đoạn mới, đó là cho đồng bọn làm giả hồ sơ xin việc vào các công ty bảo vệ (dùng CMND của người khác dán ảnh mình). Khi được cử đến các cơ quan, doanh nghiệp nào đó để làm nhiệm vụ bảo vệ, tên "trộm- bảo vệ" này có nhiệm vụ nghiên cứu kỹ khả năng tài chính, đường đi nước bước trong cơ quan này để báo cho đồng bọn.
Nếu phát hiện doanh nghiệp nào ít để tiền trong két qua đêm, tên bảo vệ này tìm mọi cách xin chuyển sang bảo vệ ở cơ quan, doanh nghiệp khác. Khi phát hiện doanh nghiệp có tiền nhiều trong két sắt văn phòng, chúng sẽ báo cho đồng bọn hành động vào ca trực của chúng. Đến sáng hôm sau, chúng cũng giả vờ tri hô, phát hiện vụ trộm, cùng lắm bị đuổi việc vì thiếu trách nhiệm thì chúng lại làm giả hồ sơ để xin việc sang công ty bảo vệ khác.
Đóng hai vai "trộm - bảo vệ" giỏi nhất chính là đối tượng Đinh Văn Thường, 29 tuổi, quê ở Quỳnh Phụ (Thái Bình). Khám nhà Thường, cơ quan Công an thu được 7,8 bộ đồng phục bảo vệ của các công ty bảo vệ khác nhau mà anh ta đã xin làm việc và bị cho nghỉ việc vì "thiếu trách nhiệm để xảy ra trộm cắp"…
Những thủ đoạn trộm cắp tài sản két sắt tinh vi trên, hi vọng mỗi gia đình, doanh nghiệp, trường học... sẽ cảnh giác để không bị là nạn nhân của những đối tượng chuyên trộm cắp tài sản tinh vi như hiện nay.